Toxeus Magnus, một loài nhện nhảy ở vùng Đông Nam Á, có một đặc điểm rất khác so với các giống nhện khác. Các con non của loài này lớn với tốc độ cực nhanh – đạt 1/2 kích cỡ trưởng thành chỉ sau 20 ngày sinh – vậy mà trong thời gian đó cả mẹ lẫn con đều không rời tổ để đi tìm thức ăn.
Thông thường, các chú nhện con ăn đủ loại thực phẩm: một số loài thì ăn các côn trùng nhỏ, một số thì bắt phấn hoa. Một nghiên cứu trước đây quan sát thấy một vài loài nhện không ăn gì cả cho tới khi chúng đủ lớn để đi săn.
“Chúng tôi không biết vì sao chúng cứ lớn mãi mà không có thức ăn, cho tới một đêm nọ. Tôi thấy một con nhện con bám vào bụng mẹ nó,” nhà nghiên cứu Zhanqi Chen ở Học viện Khoa học Trung Quốc cho biết. “Tôi nảy ra ý tưởng khác lạ là có thể nhện mẹ cho con ăn bằng một loại dịch nào đó.”
Vậy là anh Chen và các đồng sự đặt con nhện mẹ dưới kính hiển vi, và nhẹ nhàng ấn vào bụng nó. Một vài giọt dịch trắng tiết ra, trông rất giống như sữa của người hay các loài động vật có vú. Khi đem phân tích, chất dịch trắng như sữa này chứa chất béo, và có protein gấp 4 lần sữa bò.
Khi nhóm nghiên cứu dùng biện pháp thủ công để ngăn cản nhện mẹ tiết ra chất dịch dinh dưỡng này, các nhện con đã chết sau 10 ngày. Điều đó có nghĩa loại “sữa” này là không thể thiếu cho sự sống của các con nhện mới sinh.
Ngoài ra, mặc dù nhện con Toxeus Magnus sẽ bắt đầu đi săn 20 ngày sau khi nở, chúng vẫn không cai sữa cho tới khi đạt 40 ngày tuổi. Trong thời gian đó, nhện con tiêu thụ cả sữa và côn trùng, cũng giống như các em bé vừa bú sữa vừa tập ăn dặm.
Nếu bị tách khỏi mẹ trong giai đoạn này, nhện con sẽ chỉ còn 40% khả năng sống sót.
Trước đây người ta vẫn cho rằng chỉ động vật có vú mới tiết sữa. Tuy nhiên sữa của loài nhện nhảy này cũng phục vụ cùng một mục đích như sữa của động vật có vú – là để nuôi dưỡng con non. Vì thế các nhà nghiên cứu đã gọi nó là là sữa nhện.
Anh Chen cho biết, vẫn không rõ vì sao nhện có thể tiết ra loại chất lỏng giàu dinh dưỡng như vậy. Anh nghi ngờ rằng sữa có thể xuất phát từ các quả trứng không được thụ tinh mà nhện mẹ đã tái sử dụng. Trước đây người ta đã biết tới một vài loài không xương sống cho con ăn chính những quả trứng không được thụ tinh.
Điều đáng ngạc nhiên hơn nữa là sự chăm sóc của nhện mẹ có thể ảnh hưởng tới tỷ lệ giới tính của nhện con. Khi nhện mẹ vẫn có mặt trong tổ sau 20 ngày, trung bình 84% nhện con sống tới tuổi trưởng thành sẽ là con cái. Nếu nhện mẹ không có mặt, không chỉ có ít nhện con sống sót, mà chỉ 50% nhện con là con cái.
“Tỷ lệ con cái càng cao thì càng có lợi cho số lượng nhện,” anh Chen nói. “Càng nhiều con cái nghĩa là càng nhiều nhện con.” Anh nhận thấy các con nhện mẹ có thể cho phép “con gái” trở về tổ sau khi trưởng thành, nhưng sẽ tấn công các “con trai” quay về tổ.
Việc mẹ chăm sóc con trong thời gian dài, cho tới tận khi con trưởng thành, chỉ xuất hiện ở các loài có xương sống có đời sống xã hội cao, như voi và con người. Vẫn không rõ vì sao loài không xương sống 8 chân như nhện lại dành nhiều thời gian và công sức đến vậy để chăm sóc cho con non.
“Có thể là cuộc sống rất khốc liệt trong tự nhiên. Có lẽ nhện con cần học nhiều kỹ năng hơn trước khi chúng có thể tự lập,” anh Chen cho biết.